Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là bệnh lý mạn tính đường hô hấp thường gặp ở người cao tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ tử vong cao.
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là gì?
Phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi sự hạn chế lưu lượng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn. Đây là nguyên nhân tử vong đứng ở hàng thứ 3. Trên thế giới, tỉ lệ mắc COPD khoảng 11,7% trên dân số ≥ 40 tuổi (384 triệu bệnh nhân), gây ra 3 triệu ca tử vong mỗi năm. Ước tính đến năm 2060, tử vong do COPD lên tới khoảng 5,4 triệu ca. Nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh và điều trị kịp thời có thể kiểm soát được bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Ho dai dẳng
Thông thường ho là triệu chứng của các bệnh lý đơn thuần như cảm cúm, cảm lạnh, viêm phế quản,... Tuy nhiên khi bệnh nhân ho dai dẳng kéo dài trong vài tháng, liên tục lặp đi lặp lại, đó có thể dấu hiệu nhận biết mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD. Bệnh nhân có thể ho khan hoặc ho có đờm, thường ho có đờm vào buổi sáng.
Khó thở
Một dấu hiệu cảnh báo quan trọng của COPD là bạn cảm thấy khó thở. Khó thở tiến triển nặng dần theo thời gian. Lúc đầu là khó thở khi gắng sức (có thể khó thở khi làm các hoạt động hàng ngày như tập thể dục, leo cầu thang và thậm chí cả trong khi bạn mặc quần áo), sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân “phải gắng sức để thở”, “thở nặng”, “cảm giác thiếu không khí” hoặc “thở hổn hển”, thở khò khè. Khó thở tăng lên khi gắng sức, nhiễm trùng đường hô hấp. Những triệu chứng này đều không nên bỏ qua, hãy liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất mức độ bệnh.
Nhiều đờm
Bệnh nhân mắc chứng COPD khi ho sẽ thấy đờm nhiều hơn bình thường. Nếu trước đây hầu như bệnh nhân không có đàm hoặc rất ít đờm thì COPD làm cho lượng đờm khạc ra nhiều hơn bình thường hoặc có đờm nhưng có cảm giác khó khạc ra như mọi khi. Bình thường đờm có màu trắng hoặc trắng trong. Khi có tình trạng bội nhiễm thì đờm thay đổi tính chất: đờm ngả màu vàng nhạt, vàng đục, vàng sậm hoặc xanh…, thậm chí có lẫn máu trong đờm.
Mệt mỏi khi thay đổi thời tiết
Người mắc COPD rất dễ bị đợt cấp, nhất là vào tiết đông xuân, thay đổi thời tiết đột ngột hoặc gặp các yếu tố tác nhân gây bệnh. Một số dấu hiệu của đợt cấp là người bệnh khó thở hoặc khò khè nhiều hơn bình thường và ngày càng nặng hơn, ngay cả khi dùng các loại thuốc cắt cơn thường dùng cũng không hiệu quả. Bệnh nhân có cảm giác nặng ngực thường xuyên, phải dùng nhiều gối hơn bình thường khi nằm.
Màu da thay đổi
Thông thường bệnh nhân COPD thường chủ quan với các dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh. Bệnh nhân không nên để xuất hiện tình trạng màu da thay đổi sang màu xanh, đặc biệt là ngón tay và ngón chân thì mới đi gặp bác sĩ. Khi có dấu hiệu này bệnh đã ở giai đoạn tiến triển nặng.
3. Ai có nguy cơ bị phổi tắc nghẽn mạn tính COPD?
Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh gồm:
- Yếu tố đi truyền: Rối loạn di truyền được xác định gây bệnh được rõ nhất là thiếu alpha-1 antitrypsin, đó là một nguyên nhân quan trọng gây ra khí phế thũng, phổi tắc nghẽn mạn tính COPD ở những người không hút thuốc và tăng rõ ở người hút thuốc lá.
- Tiếp xúc với khói thuốc, bụi nghề nghiệp, ô nhiễm không khí trong nhà như khói bếp, chất đốt.
- Ô nhiễm không khí ngoài đường
4. Phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD như thế nào?
- Cai thuốc: Bỏ hút thuốc là việc cấp thiết hàng đầu. Người bệnh bắt buộc phải bỏ thuốc nếu muốn kiểm soát tốt bệnh.
- Tập luyện vận động phục hồi sức khỏe: Duy trì các bài tập thở và bài tập vận động giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng sức khỏe và khả năng gắng sức.
- Tiêm vắc xin phòng cúm và phế cầu định kỳ hàng năm.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố tác nhân gây bệnh: khói bụi mịn, ô nhiễm môi trường, …
- Uống nhiều nước để làm loãng đờm, đờm dễ khạc ra ngoài hơn.
- Theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh, đi khám và có kế hoạch điều trị sớm
- Kiểm soát các bệnh đồng mắc: bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, loãng xương, nhiễm trùng hô hấp, lo lắng, trầm cảm, đái tháo đường, ung thư phổi… Các bệnh đi kèm này có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ tử vong, tỷ lệ nhập viện và nên được xem xét thường xuyên và điều trị phù hợp.
Hãy chủ động thăm khám và điều trị sớm khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngoài việc điều trị đúng bệnh, điều trị bệnh sớm ở những giai đoạn đầu sẽ hạn chế được mức độ tiến triển của bệnh, kiểm soát được bệnh và hạn chế được những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Viết bình luận