Viêm phế quản mạn tính là bệnh lý hô hấp phổ biến. Tỷ lệ mắc bệnh đang ngày càng gia tăng đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Vậy viêm phế quản mạn tính là gì? và điều trị sao cho hiệu quả. Cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây.
1. Viêm phế quản mạn tính là gì?
Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm, tăng tiết chất nhầy mạn tính của niêm mạc phế quản, gây ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát từng đợt từ 3 tháng trở lên trong một năm và ít nhất là 2 năm liên tiếp. Người bệnh viêm phế quản mạn tính thường có tổn thương hệ hô hấp dẫn đến dễ bị nhiễm trùng phổi hơn. Vào đợt nhiễm trùng, triệu chứng bệnh thường nặng nề hơn:
Viêm phế quản mạn tính thường có các biểu hiện như:
- Ho, thời gian đầu ho gián đoạn từng cơn, sau này ho liên tục kéo dài. Thường ho về đêm và gần sáng.
- Có đờm, màu trắng đục. Trong đợt tái cấp của bệnh, đờm có thể chuyển màu vàng hoặc xanh.
- Mệt mỏi kéo dài
- Sốt và ớn lạnh
Các biểu hiện trên thường tái đi tái lại nhiều lần, nặng hơn sau những đợt nhiễm trùng hoặc khi thay đổi thời tiết, tiếp xúc khói bụi
2. Ai là người dễ mắc bệnh viêm phế quản mạn tính
Những người có nguy cơ cao bị viêm phế quản mạn tính như:
- Người hút thuốc : chiếm tỷ lệ 88% nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản mạn tính
Hút thuốc chiếm 88% nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản mạn tính
- Người bị viêm phế quản cấp tính kéo dài: Khi bị nhiễm virus, vi khuẩn bệnh nhân điều trị không dứt điểm, tình trạng viêm phế quản cấp kéo dài dễ tiến triển thành viêm phế quản mạn tính.
- Người nhiễm bụi mịn, bụi công nghiệp, khí hậu lạnh, ẩm ướt do môi trường sống và làm việc.
- Người có cơ địa dị ứng
- Người có bệnh lý hô hấp và đường ruột: Khi mắc các bệnh về đường hô hấp như tai, mũi, họng và trào ngược dạ dày thực quản sẽ gây kích ứng vùng họng dễ dẫn tới bệnh viêm phế quản mạn tính
- Người có sức đề kháng kém, cuộc sống khó khăn, lạc hậu cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm phế quản mạn tính
3. Chữa bệnh viêm phế quản mạn tính sao cho hiệu quả?
Điều trị không dùng thuốc
Việc đầu tiên người bị viêm phế quản mạn tính cần làm là tránh xa các yếu tố nguyên nhân gây bệnh. Các biện pháp này được coi như một phương pháp điều trị không dùng thuốc:
- Cai thuốc lá: Từ bỏ thói quen hút thuốc lá sẽ bảo vệ được sức khỏe của bạn, nhất là 2 lá phổi.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích như ô nhiễm môi trường, khói bụi mịn,...
- Vệ sinh đường thở sạch sẽ
- Tập thể dục: Vận động thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe. Khi tập luyện, tăng nhu cầu lấy không khí ở phổi, hỗ trợ hoạt động hệ hô hấp
- Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, dễ tiêu và đủ các loại vitamin, khoáng chất
Chế độ ăn đủ dinh dưỡng, nhiều vitamin và khoáng chất là rất cần thiết
Điều trị dùng thuốc
Các thuốc điều trị viêm phế quản mạn tính thường được sử dụng trong các đợt cấp. Các thuốc này thường hướng tới điều trị triệu chứng. Các loại thuốc điều trị thường dùng như:
- Thuốc long đờm: acetylcystein, cacbocystein, bromhexin,… Các thuốc này giúp đờm loãng hơn, hỗ trợ việc tống đờm ra ngoài.
- Thuốc giãn phế quản: theophylin, salbutamol, terbutalin….. giúp giãn cơ trơn khí phế quản, mở rộng phế quản trong trường hợp co thắt giúp cho việc hô hấp của bệnh nhân dễ dàng hơn.
- Thuốc chống viêm corticoid : dùng đường toàn thân hoặc tại chỗ. Tuy nhiên, lưu ý corticoid thường chỉ được sử dụng trong các đợt điều trị ngắn ngày (5-7 ngày)
Ngoài ra khi có bội nhiễm, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh cho bạn.
Tổng kết:
Viêm phế quản mạn tính hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu người bệnh được phát hiện và điều trị đúng cách. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bệnh nhân viêm phế mạn tính điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Viết bình luận